Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1288/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh định hướng phát triển 5 vùng kinh tế – xã hội…
Hình ảnh minh họaPhạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bắc Kạn, quy mô 4.859,96 km2 gồm 8 đơn vị hành chính: TP.Bắc Kạn và 7 huyện (Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm).
Mục tiêu quy hoạch là đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng với hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa. Kinh tế phát triển theo hướng xanh và năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc….
Theo phương hướng phát triển, Bắc Kạn sẽ đầu tư khu du lịch hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia với nhiều sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng và liên kết chặt chẽ với khu du lịch trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển du lịch Hồ Nặm Cắt trở thành khu du lịch cấp tỉnh; dự kiến mỗi huyện, thành phố có ít nhất một điểm, khu du lịch được công nhận.
Đồng thời, tỉnh cũng phát triển cả các cụm du lịch, gồm: cụm du lịch Ba Bể và phụ cận; cụm du lịch TP.Bắc Kạn và phụ cận; cụm du lịch (ATK) Chợ Đồn và phụ cận; cụm du lịch Na Rì – Ngân Sơn. Hoàn thiện các thủ tục để di sản Ba Bể – Na Hang được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (Unesco) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Ngoài ra, trong quy hoạch phê duyệt, tỉnh Bắc Kạn có 5 vùng kinh tế – xã hội. Cụ thể, vùng trung tâm động lực: bao gồm TP.Bắc Kạn, huyện Chợ Mới và huyện Bạch Thông. Vùng nằm dọc theo trục động lực gắn với hành lang phát triển QL3, đường cao tốc; với trung tâm là TP.Bắc Kạn, là đầu tàu cho sự phát triển của toàn tỉnh.
Tiểu vùng phía Đông: bao gồm huyện Na Rì xây dựng vùng nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tiểu vùng phía Tây: bao gồm huyện Chợ Đồn phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, công nghiệp cơ khí… phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch.
Tiểu vùng phía Tây Bắc: bao gồm huyện Ba Bể, huyện Pác Nặm, là vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, với hướng phát triển kinh tế chủ yếu tập trung vào du lịch cảnh quan hồ Ba Bể, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển dịch vụ, thương mại và công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp phục vụ du lịch.
Tiểu vùng phía Bắc: bao gồm huyện Ngân Sơn xây dựng vùng nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Trong đó, TP.Bắc Kạn được xác định là cực phát triển tổng hợp, đa dạng đóng vai trò hạt nhân của vùng trung tâm và đô thị hạt nhân của tỉnh; sẽ là động lực, cầu nối giữa các trung tâm đô thị của những đơn vị hành chính trong tỉnh, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.
Còn huyện Ba Bể là cực tăng trưởng về du lịch với hạt nhân là hồ Ba Bể. Hình thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hiện đại, giàu bản sắc với nhiều loại hình du lịch đa dạng, hấp dẫn, chất lượng cao; phát triển kinh tế ban đêm cho phép đa dạng hóa hoạt động du lịch.
Về hệ thống đô thị tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030 có 1 đô thị đạt một số tiêu chí của đô thị loại II là: TP.Bắc Kạn; 4 đô thị đạt một số tiêu chí của đô thị loại IV: thị trấn Đồng Tâm, thị trấn Bằng Lũng, thị trấn Yến Lạc, thị trấn Chợ Rã; 6 đô thị loại V: thị trấn Bộc Bố, thị trấn Nà Phặc, thị trấn Vân Tùng, thị trấn Phủ Thông và đô thị Sáu Hai, Khang Ninh.